Ngay sau Tết âm lịch, thị trường đất nền đã bắt đầu nóng lên thấy rõ, khởi điểm từ khu Tây Tp.HCM, tiếp đến là vùng ven và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu. Đáng chú ý, đầu năm nay, đất nền tại Đà Nẵng, Phú Quốc, Vân Đồn cũng ghi nhận sốt nóng về giá.
đọc thêm thông tin căn hộ vincity quận 9
Đất nền phía Tây lôi kéo nhiều nhà đầu tư lướt sóng
Do còn nhiều quỹ đất và giá khá mềm so với khu Đông nên ngay từ đầu năm, giới đầu tư đã nhanh chóng đón đầu, về các quận, huyện vùng ven khu Tây Sài Gòn gom đất rầm rộ, khiến giá đất tại đây tăng mạnh.
Đất nền phía Tây lôi kéo nhiều nhà đầu tư lướt sóng |
Theo đó, đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh tăng trung bình từ 200-400 nghìn đồng/m2. Đất thổ cư trên nhiều tuyến đường của huyện này cũng tăng từ 10-30% so với giữa năm 2017.
Trong 3 tháng đầu năm, giá đất tại một số tuyến đường thuộc quận 12 như Vườn Lài, Hà Huy Giáp, Thạnh Lộc cũng tăng từ 10-15% so với thời điểm cuối năm 2017.
Một trong những "điểm nóng" của khu Tây là quận Tân Phú ghi nhận giá đất tăng từ 20-30% trong vòng nửa năm. Giá đất tại đây đã ở ngưỡng khá cao, từ 60-80 triệu đồng/m2, các vị trí trong hẻm sâu cũng có giá từ 45-55 triệu đồng/m2.
Với lợi thế hạ tầng và giá chưa quá cao, đất nền khu Tây thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia lướt sóng. Theo giám đốc một sàn giao dịch quận 9, hiện có khoảng 50% số nhà đầu tư trên thị trường đầu tư theo kiểu sang tay, lướt sóng nhanh.
Giá đất thổ cư khu Tây biến động mạnh từ đầu năm 2018. Ảnh minh họa
Đất nền phía Đông: biên độ tăng giá mạnh nhất Tp.HCM
Từ tháng 4/2017 đến nay, giá đất khu Đông vẫn tiếp tục sốt nóng và neo ở vùng giá đỉnh, nhất là khi quỹ đất tại đây ngày càng hạn hẹp.
So với các khu vực còn lại, khu Đông là địa bàn có biên độ tăng giá mạnh nhất hiện nay. Chẳng hạn, đầu tháng 3/2018, giá đất tại đường Lò Lu, quận 9 là từ 23 - 34 triệu đồng/m2, trong khi cuối tháng 12/2017, giá đất tại đây chỉ từ 19 - 30 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10-20%.
Trong vòng 6 tháng, đất tại phường Phú Hữu (quận 9) đã tăng từ 18 triệu đồng/m2 lên 28 triệu đồng/m2. Thậm chí, giá bán tại các dự án phân lô bán nền siêu nhỏ men theo đường Nguyễn Duy Trinh còn lên tới trên 32 triệu đồng/m2.
Cao nhất hiện nay là giá đất tại các tuyến đường Trần Não, Song Hành... (quận 2), hiện vào khoảng 70-90 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10 triệu/m2 so với cuối 2017 nhưng không có hàng để mua.
Tuy là địa bàn tăng giá chủ yếu do tác động từ thông tin hạ tầng, nhưng hiện tượng nóng sốt của đất khu Đông cũng có sự tham gia không nhỏ của giới đầu cơ khi ôm hàng, thổi giá, tạo giá ảo.
Đất nền phân lô khu Đông có giá tăng trung bình khoảng 20%. Ảnh: vnexpress
Đất nông lâm nghiệp Củ Chi cũng tăng chóng mặt
Thông tin xây dựng đường ven sông và đường vành đai 3 khiến giới đầu tư đổ về Củ Chi săn đất đón đầu. Không chỉ đất thổ cư, đất nông lâm nghiệp tại đây cũng tăng chóng mặt.
Tại xã Bình Mỹ, giá đất thậm chí bị đẩy lên 200% so với thời điểm chưa nóng sốt hồi trước Tết âm lịch. Có những lô đất được sang tên 4 lần trong một ngày với giá tăng vọt sau mỗi lần sang tay.
Trước đó, đất nông nghiệp tại xã Bình Mỹ chỉ khoảng 700 ngàn đồng/m2, đến khoảng giữa tháng 3 đã tăng lên 2,5 triệu đồng/m2, tức cao gấp 3,5 lần.
Tuy nhiên những người mua đất ở Củ Chi hoàn toàn không có nhu cầu thực, chỉ là mua đi bán lại sang tay kiếm lời.
Đất nông nghiệp tại xã Bình Mỹ, Củ Chi hiện có giá khoảng 2,5 triệu đồng/m2
Đất nền Đồng Nai "nóng" theo dự án sân bay
Sau nhiều lần trồi sụt trong năm 2017, đầu năm nay đất nền Đồng Nai nóng trở lại khi dự án sân bay Long Thành đã kề cận thời điểm triển khai, các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng và mẫu thiết kế cũng đã được phê duyệt.
Trong vòng 2 tháng đầu năm, giá đất tại Biên Hòa ghi nhận biên độ tăng từ 10-20%. Giá đất tại các tuyến đường trung tâm Biên Hòa như Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc... hiện dao động từ 68-85 triệu đồng/m2, với mức tăng từ 3-5 triệu/m2. Cá biệt, đất trên các tuyến đường 30/4, CMT8, Võ Thị Sáu… tăng từ 20-25% so với trước Tết âm lịch. Khu vực rìa trung tâm như Tam Phước, Phước Tân, Trảng Dài... giá đất cũng tăng 5-10% chỉ sau gần 1 tháng.
Tương tự, giá đất nền tại các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành cũng tăng khoảng 20% so với trước Tết nguyên đán.
Giá đất tăng mạnh khiến nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh săn đất nông nghiệp, đất vườn làm dự án phân lô khiến giá đất nông nghiệp tại Đồng Nai cũng tăng theo với mức tăng từ 100-200 ngàn đồng/m2.
Nhà đầu tư nườm nượp về Biên Hòa săn đất. Ảnh: Phương Uyên
Đất nền Bình Dương thu hút nhà đầu tư có dòng vốn nhỏ
Ngoài vị trí giáp ranh Tp.HCM, việc nhiều dự án giao thông được triển khai kết nối Tp.HCM với vùng ven, thu hút các nhà đầu tư về Đồng Nai, Long An tìm mua đất, khiến giá đất tăng đáng kể.
Từ cuối năm 2017 đến nay, giá đất tại Bình Dương tăng trung bình từ 1-2 triệu đồng/m2. Đất nền tái định cư Phú Chánh, Hòa Lợi, Thủ Dầu Một hiện đã cán mốc 9 triệu đồng/m2. Riêng đất nền khu trung tâm Thuận An, Lái Thiêu tăng mạnh, từ 14 triệu/m2 đã lên mức 18 triệu/m2.
Với mức giá còn khá mềm, nhu cầu tìm mua đất Bình Dương để xây nhà ở thực chiếm khá nhiều, ngoài ra là các nhà đầu tư có dòng vốn nhỏ, mua đất để đầu tư lâu dài.
Đất nền Phú Quốc tăng dựng đứng, đất Vân Đồn giảm so với đỉnh sốt
So với cơn sốt đất năm 2017, năm nay, giá đất tại Phú Quốc còn tăng gấp nhiều lần. Thậm chí, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, giá đất Phú Quốc đã tăng cả chục lần so với thời điểm cuối năm 2017.
Chẳng hạn, đất trồng cây lâu năm tại ấp Suối Mây, xã Dương Tơ trước Tết âm lịch chỉ 2,5 tỉ đồng/công (1.000m2) nay đã tăng vọt lên tới 18 tỉ đồng. Tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, giá một công đất lên tới 38 tỉ đồng. Những nơi hẻo lánh nhất của Phú Quốc giá đất cũng đã lên mức 2 tỉ đồng/công.
Với đất thổ cư, hiện, một nền nhà 300m2 tại các trục đường trung tâm thị trấn Dương Đông có giá lên tới 12 tỉ đồng.
Trong cơn sốt đất, Phú Quốc đã thực sự trở thành chợ đất khổng lồ. Ảnh: Lao động
Ngược lại, tại Vân Đồn chỉ những dự án đất nền có pháp lý rõ ràng mới có giao dịch và giá tăng mạnh.
Đặc biệt, từ cuối năm 2017, đất nền tại đây đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí có nơi giá đất giảm khoảng một nửa so với đỉnh sốt từ tháng 8 đến tháng 11/2017. Theo Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, giá đất trên địa bàn đã ổn định trở lại, giảm khoảng 1,2-1,5 lần so với đỉnh sốt.
Đất nền Đà Nẵng: cò đất thao túng, giá tăng "nóng"
Nếu các thông tin sốt đất tại Tp.HCM, Đồng Nai chủ yếu do tác động của hạ tầng thì trái lại, sốt đất tại Đà Nẵng được cho là hiện tượng bất thường. Theo giới kinh doanh bất động sản, chính các chiêu "tung hỏa mù" của cò đất là nguyên nhân khiến đất nền Đà Nẵng tăng nóng.
Từ sau Tết âm lịch, giá đất nền một số khu vực tại Đà Nẵng tăng chóng mặt, mức tăng từ 30-50%. Giá đất tại các khu vực trước Trung tâm hành chính quận Liên Chiểu, khu phố An Thượng, xung quanh tổ hợp giải trí Cocobay, Hòa Xuân… thậm chí tăng gấp đôi. Đất ven biển đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp có đoạn đã lên tới 300 triệu đồng/m2.
Đất ven biển khu Đông Đà Nẵng có đoạn lên tới 300 triệu đồng/m2
Điểm chung gây nên các đợt sốt nóng tại các thị trường đất nền trong cả nước là có sự tham gia của giới đầu cơ, lướt sóng, đẩy giá và thổi giá ảo. Giá đất tăng chóng mặt càng thu hút các nhà đầu tư tay ngang tham gia thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất. Giới đầu tư gom đất lượng lớn, tung tin thổi giá ảo sau đó bán sang tay và rút khỏi thị trường khiến những nhà đầu tư đến sau có thể mắc kẹt.
Đầu tháng 4 vừa qua, thông tin giới đầu tư "cá mập" nhanh chân rút khỏi thị trường đất nền Củ Chi, Cần Giờ là hồi chuông cảnh tỉnh với các nhà đầu tư tham lợi nhuận, đầu tư lướt sóng tại thị trường này.